Trong đạo thờ Tứ phủ: “Thiên phủ – Mẫu đệ nhất Thượng Thiên; Nhạc phủ – Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn; Thủy phủ – Mẫu đệ tam Mẫu Thoải; Địa phủ – Mẫu Địa”, thì “Cô Bơ”là một trong mười hai Thánh cô, thuộc dòng Thoải phủ, trị vì các miền sông nước, phù hộ cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp,… “Cô” thường hay giáng đồng ban phép phù chú để chữa bệnh. Khi ngự đồng, cô chèo đò di khắp các đền, các phủ, có khi lên chơi cả sông Ngân Hà, cô còn dùng phép đo gió đo mây bằng dải lụa đào,… Và với một dân tộc – đất nước vốn trải dài theo chiều biển rộng lại nhiều sông ngòi, được sinh ra và lớn lên từ nền văn minh lúa nước như Việt Nam, thì “Cô” là đại diện cho dòng kinh mạch chảy trên “cơ thể” đó,…
Chuyện người con gái trung trinh bên bến Hàn giang…
Tích xưa còn ghi: “”Cô” vốn là con vua Thủy Tề ở dưới Thoải Cung, được phong là Thoải Cung Công Chúa, giá ngự vào ra trong Cung Quảng Hàn… Có người còn nói rằng, Cô Bơ là con gái vua Long Vương rất xinh đẹp nết na nên được Đức Vương Mẫu (có người cho rằng đó là Mẫu Cửu Trùng Thiên) cho theo hầu cận, chầu chực trong cung cấm… Đau lòng trước cảnh lầm than của con dân nước Việt phải chịu bởi ách đô hộ của giặc Minh, cô đã xin được giáng trần…
Chuyện xưa kể rằng: “Đức Thái Bà vốn hiếm muộn. Một đêm nọ nằm mộng thấy có người con gái xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, tóc mượt mắt sáng, má hồng, môi đỏ, cổ cao ba ngấn, mặc áo trắng đến trước sập nằm dâng lên người một viên minh châu rồi nói rằng mình vốn là Thủy Cung Tiên Nữ, nay vâng lệnh cao minh giáng phàm, đầu thai vào nhà đó, sau này để giúp vua giúp nước,… Thái Bà thuận ý rồi sau thì thụ thai…
Đến ngày 2/8 thì bỗng trên trời mây xanh uốn lượn, nơi Thủy Cung nhã nhạc vang lên, đúng lúc đó, Thái Bà hạ sinh ra được một người con gái, xem ra thì nhan sắc mười phần đúng như trước kia đã thấy trong chiêm bao. Thấy sự lạ kì, Thái Bà chắc hẳn con mình là bậc thần nữ giáng hạ, sau này sẽ ra tay phù đời nên hết lòng nuôi nấng dạy dỗ bảo ban… Cô lớn lên trở thành người thiếu nữ xinh đẹp, tưởng như ví với các bậc tài nữ từ ngàn xưa, lại giỏi văn thơ đàn hát. Đến khi cô vừa độ trăng tròn, phải khi nước nhà chịu ách đô hộ của giặc Minh, thân mẫu phải dẫn cô lánh vào phía sâu vùng Hà Trung Thanh Hóa, nơi ngã ba bến Đò Lèn, Phong Mục… Cũng chính tại nơi đây, câu chuyện về người con gái trung trinh bên bến Hàn giang ghi danh huyền sử…
Dân gian lưu truyền câu chuyện về những năm đầu thời Hậu Lê (Lê Sơ): Vào những năm đầu khởi nghĩa chống giặc Minh đô hộ, nghĩa quân Lam Sơn vẫn còn yếu về lực lượng, lại chịu cảnh hai mặt giáp địch, phía Bắc quân minh càn quét, phía Nam quân Ai Lao truy đuổi,… tình thế hết sức nguy hiểm. Đã không ít lần, nghĩa quân bị truy đuổi, tổn thất không nhỏ, các tướng tài trung kiên Lê Lai, Lê Thạch đã phải nguyện hy sinh, liều mình cứu chúa,… Trong một trận càn quét của địch, Lê Lợi (có sách nói là Lê Lai) bị dồn đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì không còn đường lui; đúng lúc ấy thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô, liền xin cô giúp đỡ; “Cô” bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cũng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô… Vừa lúc thu xếp xong xuôi thì quân giặc kéo đến; chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đó không, “Cô” điềm tĩnh đáp, bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô mà thôi; quân giặc ngó thấy người đàn ông bộ dạng lam lũ, không đáng để tâm nên bỏ đi… Lê Lợi thoát khỏi vòng vây trong gang tấc, rất cảm phục người con gái tài sắc, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về Triều và phong cô làm phi tử…
Chuyện cũng nói: “Từ những ngày đầu khởi nghĩa ở Lũng Nhai, “Cô” không quản thân gái dặm trường, đến xin gia nhập hàng ngũ nghĩa quân chống giặc. “Cô” không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương… Dân gian tích truyền nhiều lắm. Nhưng có thể thấy, tất cả đều kể về một người con gái tài sắc vẹn toàn, đã góp không ít công lao trong những ngày dầu cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh đô hộ đất nước…
Giặc giã tan rồi cô cũng hòa mình vào sông nước quê hương…
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ những ngày non trẻ, được sự bao bọc, chở che và giúp đỡ của dân chúng cũng đến ngày khúc hát khải hoàn,… Nước nhà thái bình, vua Lê nhớ đến lời thề hẹn bên bến Hàn giang với người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đưa kiệu đến đón cô hồi kinh,… Nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ,… dân trong vùng còn nghe các bô lão kể lại: “Ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa bên ngã ba Hàn giang vẫn một lòng kiên trinh…”
Truyền thuyết kể lại rằng: “Cô Bơ vốn được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua Lê, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung… “Cô” đi rồi nhưng vẫn không quên chốn xưa tích cũ, không quên hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió,… vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). “Cô hóa” nhằm ngày 12/6 âm lịch,… Từ đó về sau, ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý, danh tiếng cô bởi thế vang lừng khắp nơi nơi…
Trong đạo thờ Tứ phủ của người Việt, quan niệm nguyên xưa cho rằng: Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Có câu:
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mười hai tháng sáu thì về tiệc Cô…
Là để nhắc nhở về ngày lễ “Cô”, ngày mà ai ai cũng mong chờ. Bởi, trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ, những Thanh đồng đều truyền tai nhau rằng: Cô Bơ tốt tính, thường hay giá ngự về Đồng,… Hễ ai thành tâm đến hầu cô đều giáng ngự ban phước. Khi cô giáng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường… Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây. Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh….
“Cô” trong lòng dân chúng không chỉ đơn thuần là một vị Thánh cô, “Cô” còn là biểu trưng cho hình tượng đẹp đẽ của người phụ nữ Việt bao đời nay, không những hiền lành dung dị mà còn rất đỗi trung trinh quật cường…
Tin khác