Hầu Đồng là gì? Tín ngưỡng hay mê tín!?…
Lâu nay, mọi người thường nhầm lẫn giữa nghi thức tín ngưỡng Hầu Đồng với cái gọi là hoạt động mê tín. Bởi vì, nghi thức Hầu Đồng gắn liền với tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần,… trong các giá đồng. Là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong tín ngưỡng ấy, Hầu Đồng chứa đựng trong mình cả một bầu trời nghệ thuật mang tính tâm linh của người Việt mà chỉ những “người trong cuộc” mới hiểu. Và cũng vì tính “nhạy cảm” của mình, không ít lần, không ít người đánh đồng Hầu Đồng là mê tín; và cũng không ít kẻ mượn danh hầu đồng để nhằm trục lợi và tuyên truyền mê tín dị đoan…
Tiếng oan ấy, bao giờ mới giải được đây???
Hầu Đồng, hiểu sao cho đúng?
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và thành phố Hồ Chí Minh) đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… minh chứng cho giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam,…
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, là tổng hòa các giá trị lễ nghi và nghệ thuật, mang đậm bản sắc Việt. Về nghi lễ, đây là hoạt động thờ phụng các vị Thánh và Thánh Mẫu, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân, mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Về nghệ thuật dân gian, đây là hình thức diễn xướng trong văn hóa tâm linh. Và Hầu Đồng là hoạt động tín ngưỡng “không thể thiếu” trong các đạo thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần… Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ là các Thanh đồng. Người ta tin rằng, các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các “Cô đồng, Cậu đồng” nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào các Thanh đồng thì lúc đó các cô đồng, cậu đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần mượn xác hiển linh,…
Hầu đồng có nhiều giá hầu,, tương ứng với các vị Thánh được thờ phụng, thường nhập vào các Thanh đồng. Thông thường, có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo Thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt,… Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều “giá đồng” . Mỗi lần thay “giá”, người ta lại phủ lên Thanh đồng một tấm khăn lụa đỏ (khăn công đồng), khi Thánh giáng thì sẽ tung khăn và lúc này Thanh đồng đang ở một “giá” mới và phải thay khăn chầu, áo ngự, đồ hầu dâng… sao cho đúng với tính cách của “giá thánh” này nhằm thể hiện một cách chân thật nhất, làm cho người dự hầu có thể nhìn thấy đó đúng là vị Thánh khi ngài còn trên dương thế. Ta có thể thấy, trong các “Giá hầu”, khi thì Thanh đồng hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái điệu đà, nhí nhảnh,… Hành động, nét mặt (diện Thánh) của thanh đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của “giá hầu” Ví dụ: “Giá hầu Quan” thường múa cờ, đánh kiếm, long đao, kích với vẻ mặt phương phi, uy nghi lẫm liệt; “giá chầu Bà” thì múa quạt, múa mồi, múa tay tiên với vẻ mặt nhân hậu, hiền hòa; “giá ông Hoàng” thì thường múa cờ, đi hèo, đề thơ với vẻ mặt hào hoa, phong nhã; “giá các Cô” múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay tiên; “giá các Cậu” thường múa hèo, múa lân với vẻ mặt hồn nhiên, nhí nhảnh pha chút tinh nghịch của trẻ con… Các thánh trong tín ngưỡng Tứ phủ có khoảng 50 người, hầu hết là các nhân vật dựa theo các truyền thuyết huyền thoại hoặc là người có công với đất nước, với dân tộc, được dân gian tôn thờ,… Tất cả những hình ảnh trong “giá hầu” đều là những hình ảnh mang đậm tính tượng trưng cho “sinh thời” của các “giá thánh”… các thánh “nhập” liên tiếp vào một Thanh đồng theo thứ tự, phán truyền và ban phát tài lộc.
Một trong những yếu tố không thể thiếu được của nghi thức Hầu đồng là hát Chầu Văn. Nếu các Thanh đồng với những hoạt động “lên đồng” phục vụ nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì Chầu Văn chính là nhạc lễ của tín ngưỡng này,… Hát Chầu Văn là nghệ thuật diễn xướng mang tính dân gian, truyền khẩu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ xa xưa trong các “giá hầu” và trong dân gian bởi tính bình dân, gần gũi, nó là sự tái hiện và mong ước trong cuộc sống của nhân dân; vì vậy hát văn có nhiều làn điệu, có nhiều dị bản cả về ca từ lẫn giai điệu. Bởi, Chầu Văn khi kết hợp với biểu hiện của “giá hầu” với khăn chầu, áo ngự, với hương khói huyền ảo và cả không khí phấn khích của dàn nhạc, các nghệ nhân hát Văn còn kết hợp với làn điệu của các loại dân ca khác như Quan Họ Bắc Ninh, ca Huế, Ví-Giặm… cho “hợp xướng” mà thành ra làn điệu hay và được tiếp nhận lưu truyền. Chính vì vậy, trong hát Chầu Văn Hầu Đồng, ta thấy đâu đó cả làn điệu chèo, tuồng, dân ca…Một bản hát văn đã cho chúng ta đầy đủ thông tin về vị Thánh đó từ sự tích ra đời, tính cách, chiến công hay cả cuộc sống lúc sinh thời của Ngài, quyền phép của Ngài,
Và có lẽ, hoạt động nhộn nhịp nhất, được mong chờ nhất trong nghi lễ Hầu Đồng là khi các vị Thánh phát lộc và phán truyền. Lộc Thánh được ban phát bằng tiền, đồ vật (hoa quả, bánh trái, vật dụng…) mà theo quan niệm dân gian, là thứ thiêng liêng “Một chút lộc Thánh còn hơn cả gánh lộc trần” . Những lời phán truyền thông qua các Thanh đồng về tiền vận, hậu vận, các nghi lễ giải hạn cũng làm yên lòng các con nhang đệ tử… Kết thúc nghi lễ hầu đồng, không chỉ nhận được “lộc Thánh” mang về, các con nhang đệ tử còn cùng nhau ngồi ăn chung bữa “cơm Thánh”, coi đó như là lộc Thánh ban mà ai cũng hồ hởi muốn tận hưởng!
Hầu Đồng, di sản văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người Việt!
Có thể thấy, Hầu Đồng là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng được hình thành từ tín ngưỡng thờ Mẫu từ xa xưa của người Việt, xuất phát từ từ ước vọng của nhân dân, mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cũng là một biểu hiện trong đặc trưng của đạo làm người, uống nước nhớ nguồn, kính già yêu trẻ, sống tốt đời đẹp đạo của người Việt. Hầu Đồng, Hát Chầu Văn là phần Lễ – Nhạc, không thể thiếu của tín ngưỡng tâm linh này, nó mang trong mình âm hưởng dân gian đặc trưng thuộc về dân tộc Việt Nam, chứa đựng những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc Việt…
Ở Việt Nam, nhiều di tích lịch sửvăn hóa, tại Đền, Phủ, Miếu, Điện, Hầu Đồng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày hội, ngày kị, như ở đền Mẫu Đồng Đăng; đền Đức Thánh Tản Viên; hoặc phủ Tây Hồ… thu hút sự quan tâm và tham dự của cộng đồng dân cư nhiều nơi. Như vậy, xét về mặt bản chất, thì đây là di sản văn hóa cần được nhìn nhận và “thực hành” một cách đúng đắn như chính ý nghĩa mà dân gian gửi gắm trong đó. Hoạt động Hầu Đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt phần lớn mang tính hướng đạo. “Người thật tâm” hầu thánh phán truyền những điều tốt đẹp làm an lòng mọi người, hướng mọi người đến những điều thiện ích,…; “kẻ lỗi đạo” lại lợi dụng cho mục đích khác,… (trên thực tế, có những người, những nhóm người lợi dụng vào tín ngưỡng này để hoạt động buôn Thần, bán Thánh, hành nghề mê tín dị đoan. Hành vi này cần phải lên án, phát hiện và xử lí nghiêm.)
Là người Việt, chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận và đánh giá về Hầu Đồng một cách chân thực từ tâm Chân – Thiện – Mỹ của mình, cái nhìn về một loại hình văn hóa độc đáo mạng đậm bản sắc của dân tộc, manh tính tâm linh tín ngưỡng không thể tách rời với đời sống tinh thần mỗi người. Cùng nhau chia sẻ những ý nghĩa tốt đẹp, lưu truyền những nét văn hóa nghệ thuật dân gian của Hầu Đồng, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn!!!
HỘI NHẤT TÂM
Tin khác