1
Nhắn tin tới Hội Nhất Tâm?

Người giữ lửa cho ban thờ Việt

Người Việt ta từ xưa đến nay, được đắm mình trong cái nôi của Văn hóa phương Đông huyền bí, nơi chứa đựng những triết lý nhân sinh quan sâu sắc, những phong tục – tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn – nhân bản. Trong đó, không thể không kể đến phong tục thờ cúng Tổ Tiên – Thần – Phật,… nơi để con người ta thể hiện lòng thành kính của mình với Tổ Tiên – Thần – Phật; là Lễ, một trong ngũ Đạo (Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín), gắn liền với sinh mệnh mình. Cũng chính vì thế, dù ở đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào, những ngôi nhà của người Việt có thể thiếu nhiều thứ nhưng không thể thiếu “Ban thờ”… Và “Ban thờ” có khi vì điều kiện, có thể không thể đủ đầy lễ vật, nhưng không thể nào thiếu nén hương thơm,… chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa “Ban thờ”, đưa “người khuất mặt” về với cõi trần…

Nguoi Giu Lua Chon Ban Tho Viet2

Bát nhang… trên Ban thờ Việt

Cũng như nhiều dân tộc khác, tín ngưỡng thờ phụng của người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình. Theo quan niệm dân gian của người Việt, chết cũng là một dạng “sống”; nhưng không phải sống ở thế giới hiện hữu loài người chúng ta vẫn sống, mà sống trong một không gian khác… một không gian song song, có mối liên hệ mật thiết với thực tại, qua những cánh cổng đặc biệt mà không phải ai cũng có thể nắm bắt được. Và người Việt đã hình tượng hóa không gian ấy bằng tín ngưỡng thờ phụng, và đặt nó trên “Ban thờ”… Một không gian trừu tượng và chứa đựng tất cả tâm tình của người Việt. Mỗi một chi tiết ta thấy trên “Ban thờ” đều mang một tầng ý nghĩa khác nhau. Và, Bát nhang thờ là một phần tất yếu, không thể thiếu trên “Ban thờ”. Bởi, Bát nhang chính là một hình thức hội tụ tâm thức trong tín ngưỡng thờ phụng của người Việt…

Người Việt quan niệm, Bát nhang là nơi giáng – ngự của các Hương Linh, Tổ Tiên – Thần – Phật, và cũng thể hiện sự thành kính của gia chủ đối với “Cõi âm”. Bát nhang trên “Ban thờ” giống như một sợi dây vô hình, là chiếc chìa khóa để mở ra cánh của tương thông giữa hai thế giới Hữu hình và Vô hình. Khi gia chủ thắp hương cầu nguyện cũng là khi thần linh, tổ tiên có thể chứng giám được lòng thành của mình… sự chứng giám ấy được thể hiện qua cách mà nén nhang tàn,…

Nguoi Giu Lua Chon Ban Tho Viet

Trong tín ngưỡng thờ phụng từ xa xưa đến nay, người Việt quan niệm: Bát nhang trên “Ban thờ” các gia đình sẽ thường được bày biện ứng với số lẻ ba – bảy – mười hai. Và, hình ảnh chúng ta thường gặp nhất là ba Bát nhang, được sắp xếp theo thứ tự là: Bát nhang thờ Thổ Công Thần Linh ở giữa, Bát nhang thờ Tổ Cô – Ông Mãnh được đặt bên trái, và Bát nhang thờ Tổ Tiên bên phải là đầy đủ… Trong đó, Bát nhang thờ Thổ Công thường bao giờ cũng là bát nhang to nhất, đặt ở vị trí cao hơn hai Bát nhang còn lại, (hoặc Bát nhang thờ Thổ Công có thể không đặt ở cao nhưng bao giờ cũng to hơn hẳn hai Bát nhang còn lại trên Ban thờ). Hai Bát nhang thờ bà Tổ Cô, Ông Mãnh cùng bát hương thờ Tổ Tiên sẽ đặt ở sau bát hương thờ Thổ Công, Thần Linh. Ba Bát nhang cách đều nhau và khoảng cách là trên 10cm. Và khi thắp nhang, người ta thắp nhang thờ Thổ Công Thần Linh trước sau đó mới thắp nhang thờ Tổ Tiên, Bà Cô – Ông Mãnh. Tại sao vậy? Bởi quan niệm vốn đã tồn tại từ rất lâu trong dân gian ta, Thần Thánh luôn ở trên cao tại thượng và Thổ Công là vị thần cai quản đất đai trong vùng, cả ở Dương trạch và Âm trạch, Thần Linh có chứng cho, có cho phép thì Tổ Tiên, Bà Cô – Ông Mãnh mới được phép về chứng giám lòng thành của con cháu,… có như vậy, âu cũng bởi người Việt quan niệm sống sao thác vậy! Người Việt coi trọng Lễ – Nghĩa cương thường. Sống có trước có sau, có trên có dưới,…

Nguoi Giu Lua Chon Ban Tho Viet3

Và người giữ lửa cho Ban thờ…

Đã là người Việt, dù có đi đâu, làm gì, ở đâu, cũng không quên quê hương bản quán, khi gần đất xa trời vẫn luôn đáu đáu một nỗi niềm trở về với nơi chôn nhau cắt rốn,… Sống gửi thác về, khi sống đã không được ở gần gia đình thì khi chết cũng mong được nằm lại đất quê, được gửi hồn mình ở lại quê hương, và sống cùng Tổ Tiên ông bà nơi thế giới ấy”; ngày Giỗ, ngày Rằm, ngày Tết được về lai âm hiến hưởng những nén nhang thơm con cháu phụng thờ trên Ban thờ gia tiên, không làm cô hồn vất vưởng, đói khát lang thang,… Thế, là đã ấm lòng lắm lắm!!!

Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tiếp xúc với nhiều nét bản sắc văn hóa vùng miền khác nhau, có lần cùng ngồi nói chuyện, chia sẻ cùng anh những câu chuyện mình chứng kiến xoay quanh những lễ nghi truyền thống trong phong tục thờ cúng của người Việt, người “thanh đồng” tôi quen nói với tôi: “Nếu nói nhà là nơi mình sống thì Ban thờ là nơi “người khuất mặt” ngự. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành! Ta có yêu quý ngôi nhà ta thì mới dành tâm sức chăm lo cho nó, dựng xây nó thành một tổ ấm được; Ban thờ cũng vậy, là nơi để những người ở thế giới bên kia giáng ngự, ta có thành tâm trang hoàng góc tâm linh ấy như “tổ ấm” của ta mới được,… Anh cảm thấy tiếc! Bởi anh thấy ở nhiều nơi, không gian thờ tự chẳng còn được như trước! Phần vì nhiều người không hiểu, phần vì cuộc sống hiện tại, do không gian có hạn, hay vì điều gì đó, Ban thờ cũng mất đi cái hồn trong đó!…”

Nguoi Giu Lua Chon Ban Tho Viet4

Vì thế, mỗi khi đi lễ ở đâu mà thấy, anh lại sắp xếp và chỉ dẫn gia chủ bài trí Ban thờ, thắp hương làm lễ cho chu toàn,… Bởi, dù con cháu có tâm và vẫn luôn tưởng nhớ Tổ Tiên, tâm niệm một điều rằng họ vẫn luôn bên cạnh chúng ta, dõi theo và phù hộ chở che cho con cháu như lúc sinh thời cha mẹ vẫn hy sinh tất cả vì con cái vậy! Nhưng thành tâm là một chuyện, nếu cái tâm ấy không được đặt đúng chỗ thì cũng như con người sống mà không có linh hồn vậy,… Mà Tổ Tiên ông bà mình, ở nơi ấy, một năm chỉ có ba lần được “về” với con cháu, đó là: Ngày giỗ, ngày rằm tháng bảy, ba ngày Tết mà thôi!… Tôi cười, nói anh khéo lo chuyện bao đồng. Anh bảo: “Anh làm thế bởi vì anh yêu thích, từ ngày còn bé, anh chỉ mong muốn những nơi linh thiêng như Ban thờ ngày càng ấm cúng và khang trang tố hảo mà thôi!… Ông bà cha mẹ đã dành cả đời chăm lo cho ta, chẳng mong đáp đền, đến khi mất đi rồi, ngày về với con cháu lại chẳng có nơi ngự cho hẳn hoi,… thì khổ lắm!!!”

Nguoi Giu Lua Chon Ban Tho Viet5

Những “thanh đồng” là vậy, họ đến với thế giới này cũng như chúng ta, nhưng lại đi con đường của riêng họ, con đường của những người ngày ngày ra sức gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt. Nét đẹp ấy, được thể hiện một cách rõ nét nhất trên “Bức tranh Ban thờ Việt” mà khi nhìn vào đó, ta thấy như có một hồn sống trong đó,… Bởi, ở nơi xa xôi nào đó, những tiếng gọi từ cõi huyền bí luôn thôi thúc họ phải cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy, không thể để nó mất đi,… nếu nó mất đi, chắc chắn, con người ta sẽ ngày càng khác đi. Bởi, khi những thế hệ cha ông ta, những người từng sống và am hiểu về những phong tục truyền thống tốt đẹp xưa, theo thời gian mà về với đất,… thì nếu chúng ta và “họ”, không truyền giữ “ngọn lửa lòng thành” cho những thế hệ sau, dần dà sẽ chẳng còn ai biết, nhớ, mà thắp nén nhang lên Ban thờ nữa!!!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Copyright © by Hoinhattam.com