1
Nhắn tin tới Hội Nhất Tâm?

Có một công việc không được coi là nghề mà là Sứ Mệnh

Từ nghề, từ lâu được dùng để chỉ một công việc hàng ngày con người dùng để sinh nhai. Và người ta thường nói “nghề chọn người”, để lý giải về cách “sắp đặt” của số phận cho một ai đó một công việc mà họ yêu thích hoặc không, đơn giản chỉ là bỏ sức lao động để đổi về những tiện nghi phục vụ việc tồn tại và phát triển của bản thân. Nhưng có một vài công việc đặc biệt mà khi người ta được chọn rồi, là xác định cả đời sống chết vì nó, không có sự thay đổi, không có bỏ cuộc, cũng không có cái gọi là bỏ sức lao động để đổi lấy tiện nghi cho bản thân. “Hầu đồng” là một trong số những công việc “phải làm” suốt một đời người ta như thế…

Công việc không được gọi là nghề

Công việc không được gọi là nghề

Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam vẫn tự hào coi mình là con Rồng cháu Tiên, được hoài thai từ Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân sinh ra bào thai trăm trứng nở ra trăm người con; trăm người con tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt… Trải qua hơn bốn ngàn năm dựng xây và bảo vệ bờ cõi, song song với quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, người Việt và một số tộc người khác trên dải đất hình chữ S hình thành nên tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Tam phủ – Tứ phủ (gọi là Đạo Mẫu). Đạo Mẫu, từ bao đời nay là tín ngưỡng đặc trưng – riêng biệt của người Việt, có vai trò, vị trí đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, khát vọng trong đời sống thường nhật của một dân tộc đi lên từ nền văn minh lúa nước, mang trong mình những nét đẹp văn hóa đặc trưng của phương Đông huyền bí…

   Đạo Mẫu ở Việt Nam, về nghi lễ, thờ phụng các vị Thánh và Thánh Mẫu, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân, mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Về nghệ thuật dân gian, đây là hình thức diễn xướng trong văn hóa tâm linh. Và hầu đồng là hoạt động tín ngưỡng thuộc các đạo thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần… Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ là cô đồng, cậu đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các cô đồng, cậu đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhangđệ tử. Khi thần linh nhập vào các thanh đồng thì lúc đó các cô đồng, cậu đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần mượn xác hiển linh,…

   Đã từng có một thời, vào những thập kỉ cuối của thế kỉ XX ở Việt Nam, do cách nhìn nhận chưa đúng, hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan và bị cấm; những thanh đồng – nghệ nhân hát văn dần mai một theo dòng thời gian, tưởng chừng không còn cơ hội hồi sinh. Nhưng ở đâu đó trong thế giới tâm linh huyền bí vẫn văng vẳng tiếng gọi với những người có “căn đồng”… Và năm 2016 là mốc thời gian đặc biệt đối với “những người được chọn” khi mà “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành di sản thứ 10 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp, sánh cùng “Nhã nhạc – Nhạc Cung đình triều Nguyễn” cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác của nhân loại.

   Là di sản văn hóa phi vật thể, được hình thành trên nền tảng tín ngưỡng mang tính chất văn hóa tâm linh, là nơi chứa đựng tâm tư, tình cảm của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, được gìn giữ và phát triển bởi niềm tin; đặc biệt, không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng của những “người được chọn” – những thanh đồng,… họ cống hiến hết tâm sức, nhất tâm phụng thờ và gìn giữ, phát triển, gắn cả đời mình với “việc thánh”. Thế nhưng, chẳng có thước đo nào đánh giá được công việc họ làm, liệu có phải một nghề hay là điều gì khác?! Khi mà công việc ấy không tạo ra giá trị vật chất thặng dư, “người lao động” cũng không có gì để đổi lấy tiện nghi vật chất trực tiếp. Tất cả, đều vì mục đích hướng con người ta đến giá trị chân – thiện – mỹ…

Nghề của duyên phận người ta…

   Người hầu đồng hay còn gọi chung là “thanh đồng”. Người nữ thì gọi là cô đồng. Người nam gọi là cậu đồng. Ở Việt Nam hiện nay có ba mươi sáu giá đồng tương ứng với ba mươi sáu vị thần được cung phụng và sẽ nhập vào thân xác của thanh đồng có “căn” hợp duyên. Mỗi giá đồng thể hiện một nhân vật cụ thể, với tên tuổi và tính cách khác nhau. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các làn điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Giai điệu và tiếng hát chầu văn thánh thót, kết hợp với những làn điệu múa uyển chuyển của “thanh đồng” làm mê đắm lòng người trong giá đồng sẽ đưa người ta hòa vào thế giới huyền bí một cách dịu êm…

    Và “căn đồng” đến với người ta như một cơ duyên,… Tôi từng gặp và nghe một thanh đồng kể lại, năm 2003 anh ra Hà Nội tìm việc; khi ấy, vì không có bao nhiêu tiền nên anh thuê trọ ở tầng 5 của một căn nhà cho rẻ, và muốn nấu cơm thì mọi người đều phải xuống tầng trệt để nấu ăn, như thế với anh rất bất tiện. Loay hoay mãi, anh đành bắc bếp lên chiếu nghỉ cạnh lối ra sân phơi trên tầng thượng, vô tình lại gần phòng thờ của ngôi nhà. Cũng chính trong lúc anh đang nấu cơm, bếp cơm đang lên khói thì có “người” bảo anh là: “cậu có nấu thì nấu dư ra cho tôi ăn với, tôi cho cậu ăn lộc,…”, mặc dù không hiểu tại sao nhưng anh vẫn làm theo. Rồi từ đó, anh mới biết đến và đi theo con đường “hầu đồng”. Những giọng nói từ thế giới huyền bí cứ thế đưa anh đến các đền phủ và hướng anh đến những việc thay người khuất mặt “gieo duyên”, khuyên những điều hay lẽ phải cho các con nhang, đệ tử…

Có những công việc người ta gọi là nghề. Nhưng cũng có những công việc như “hầu đồng”, người ta không được gọi là nghề, mà việc ấy được gọi là sứ mệnh!!!

Tác giả: Đăng Quang – Hội Nhất Tâm

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Copyright © by Hoinhattam.com