1
Nhắn tin tới Hội Nhất Tâm?

NGÀY “GIỖ”- MỘT PHONG TỤC ĐẸP CỦA NGƯỜI VIỆT

Phong tục “Giỗ” không biết có tự bao giờ. Chỉ biết rằng cứ đời này truyền qua đời khác, dù bạn có theo hay không theo một tôn giáo nào nhưng bất cứ ai trong mỗi người con đất Việt đều biết đến ngày Giỗ của người đã khuất. Tuy là một phong tục diễn ra hàng ngày và rất thường xuyên. Nhưng cũng sẽ có rất nhiều người chưa thực sự hiểu về phong tục này. Bài viết xin đề cập đến một số nội dung của phong tục và đặc biệt hơn nữa là đưa ra một số ý kiến về phong tục này của người Việt đang ở nước ngoài. Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu:

Giỗ là gì?

Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Ngày Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo lịch Âm của người được thờ cúng. Nó có ý nghĩa là sự tri ân, tưởng nhớ đến công đức sinh thành của người đã mất; nó gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ và đôi khi trong cùng ngành nghề thậm chí là cả một dân tộc. Việc Giỗ không theo một khuôn mẫu nhất định. Với những gia đình có điều kiện thì có thể tổ chức giỗ linh đình, với sơn hào, hải vị và nhiều lễ vật khác nhau. Với những gia đình còn khó khăn thì việc giỗ có thể đơn giản chỉ là bát cơm, quả trứng, nén nhang, bát nước cơi trầu với có thể là mâm cơm cỗ đơn giản. Ngày Giỗ là ngày con cháu tập trung tri ân tưởng nhớ người đã khuất nên không cần mời mọc, việc nhớ ngày giỗ, đến giỗ là nghĩa vụ của con cháu.

Ngay Gio Mot Phong Tuc Dep Cua Nguoi Viet1

Theo sách “Thọ Mai Chi Lễ” việc cúng giỗ được thực hiện trong năm đời “ ngũ đại đồng đường”. Xa xưa, người thực hiện việc cúng giỗ tính đến đời thứ 6 thì sẽ có trách nhiệm đem chôn “thần chủ – bài vị” của cụ tổ đời thứ 6. Như vậy cụ tổ đời thứ 6 sẽ không được thờ vì thế nên mới gọi là “ Ngũ đại mai thần chủ”. Cụ đời thứ 6 sẽ được rước vào trong từ đường để thờ chung với công đồng gia tiên.

Trong việc cúng Giỗ thì việc kêu khấn cũng rất quan trọng. Quan trọng nhất là cách xưng hô của người khấn với người đã khuất. Sau đây là một số cách xưng hô theo “ Thọ Mai Chi Lễ”:

 

Người khấn

Người mất
Vị trí của người mất Nam – Cách xưng hô Nữ – Cách xưng hô
Cụ Tổ Hiển Thủy tổ khảo Hiển Thủy tổ tỷ
Từ đời thứ hai đến trước Ngũ đại Hiển cao Tằng tổ khảo Hiển cao Tằng tổ Tỷ
Chút Ngũ đại Hiển Cao tổ khảo Hiển Cao tổ tỷ
Chắt Tứ đại Hiền Tằng tổ khảo Hiền tằng tổ tỷ
Cháu Tam đại Hiển tổ khảo Hiển tổ tỷ
Con Bố/mẹ Hiển khảo Hiển mẫu
Con rể Bố mẹ vợ Hiển nhạc phụ Hiển nhạc mẫu
Anh/em Anh/chị Bào huynh/Bào đệ Hiển tỷ (chị gái)/ hiển muội (em gái)
Vợ/chồng Vơ/chồng Lương Phu Hiền thê

Người khấn xưng là con. Ví dụ: Con xin cụ Hiển tổ khảo.

Các ngày Giỗ chính:

Thứ nhất: ngày Giỗ đầu: Hay còn gọi là Tiểu Tường là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, nằm trong thời kỳ tang, là một ngày giỗ vẫn còn bi ai, sầu thảm. Thời gian một năm vẫn chưa đủ để làm khuây khỏa những nỗi đau buồn, xót xa tủi hận trong lòng của những người thân. Trong ngày Giỗ đầu, người ta thường tổ chức trang nghiêm không kém gì so với ngày để tang năm trước, con cháu vẫn mặc đồ tang phục.

Theo phong tục thì con cháu thường sắm đầy đủ lễ vật như nến, hoa, quả, tràu cau,   mâm cơm cúng, nhưng bắt buộc phải có bát cơm úp và quả trứng…Còn đồ vàng mã thì ngoài tiền vàng, thì sắm các đồ dùng hàng ngày như nhà cửa, quần áo, xe cộ…Những đồ mã này được gọi là Mã tiến nghĩa là người mất chưa được dùng những đồ này mà vong phải đi cúng tiến dưới Âm phủ. Sau khi tạ lễ hóa vàng thì mời mọi người đến dự lễ ăn giỗ.

Thứ hai: ngày Giỗ hết: Còn được gọi là Đại Tường là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm, vẫn nằm trong thời kỳ tang. Ngày giỗ này con cháu vẫn sắm sửa như ngày giỗ đầu. Nhưng với đồ vàng mã thì con cháu sắm sửa nhiều hơn. Bởi theo phong tục đây là Mã mà vong được dùng.

Sau ngày giỗ hết đến tháng thứ ba, thì con cháu chọn ngày tốt để làm lễ Trừ Phục (Đàm tế) chính là lễ bỏ tang. Người thân đem khăn tang, áo tang, gậy chống đem ra đốt. Đây được đánh dấu là thời điểm hết tang.

Thứ ba: ngày Giỗ thường: Đây là ngày giỗ được tổ chức hàng năm. Đối với những Giỗ lớn như giỗ ông Tổ họ thì còn có ngày Cáo giỗ (diễn ra trước ngày Giỗ chính) là ngày con cháu sửa soạn dọn dẹp bàn thờ, làm lễ cáo yết Thần linh để xin đón vong linh về nhà cùng con cháu. Vào ngày Giỗ chính, người thân vẫn sắm các đồ lễ như Giỗ đầu và Giỗ hết. Con cháu tề tựu đông đủ để thụ lộc và tưởng nhớ người đã mất.

Gửi giỗ: Đối với những người đã mất mà có nhiều con cháu. Thì việc cúng giỗ thường được tổ chức tại nhà con trưởng. Có rất nhiều con cháu ở xa không thể về tham dự được thường gửi giỗ để tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Việc gửi giỗ có thể bằng hiện vật như hương, nến, hoa, quả hoặc bằng tiền.

Việc Giỗ xưa kia được coi trọng và còn tồn tại một số hủ tục như ăn uống linh đình lãng phí. Thời nay, việc Giỗ đã được đơn giản và văn minh hơn. Ngày Giỗ là ngày con cháu gặp mặt nhau trước là tri ân, tưởng nhớ các bậc sinh thành sau là lúc con cháu gặp nhau trò truyện, hàn huyên. Đối với những ngày Giỗ họ thì là ngày để con cháu ôn lại truyền thống, biết về họ hàng, biết về gia phả của dòng họ mình.

Truyền thống, phong tục là thế cứ đời này truyền qua đời khác. Người sau học người trước. Mọi người đều thực hiện một cách tự nguyện và thành kính. Cho dù người giàu hay người nghèo đều thực hiện việc cúng giỗ.

Ngay Gio Mot Phong Tuc Dep Cua Nguoi Viet2

Ngày nay truyền thống, phong tục cúng Giỗ đã không còn giới hạn trong không gian Việt Nam nữa. Nó đã được lan tỏa, duy trì ra khắp năm châu bốn bể. Bởi đang có hàng triệu Kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì điều kiện địa lý nên chắc rằng sẽ có nhiều người không thể trở về Việt Nam tham dự các ngày Giỗ để tưởng nhớ người đã khuất. Có rất nhiều gia đình Việt kiều có ban thờ và vẫn thực hiện việc cúng giỗ tại nơi mình sinh sống. Nhưng còn rất nhiều người chưa có điều kiện và vẫn mong ngóng trông về cố hương mỗi khi có ngày giỗ của người thân. Bản thân người viết cũng đã từng được tham dự một đám giỗ của một gia đình Việt kiều tại Nga. Cũng có đủ lễ vật như nến, hương, hoa quả và một mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống của Việt Nam như nem cuốn, xôi, gà…. Gia chủ cũng mời một số bạn bè thân hữu tới tham dự. Bao câu chuyện, bao kỷ niệm về người đã khuất được kể ra và truyền lại cho con cháu biết. Những câu chuyện, những tiếng cười làm cho chúng tôi như đang ở chính quê nhà.

Thiết nghĩ, việc Giỗ chính là tưởng nhớ tri ân người đã khuất, tạo sự đoàn kết yêu thương của con cháu hay của cả cộng đồng. Đó là những người sinh thành, nuôi dưỡng ra chúng ta. Nó nhắc cho chúng ta nhớ về nguồn cội. Việc làm Giỗ có các lễ vật đó chỉ là một ý nghĩa tượng trưng. Bởi người đã khuất không thể ăn uống được những lễ vật đó nữa. Quan trọng nhất là cái Tâm của mỗi người vẫn nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên. Dù bạn ở phương trời nào đến ngày Giỗ do điều kiện bạn không thể về được bạn có thể gọi điện hỏi thăm những người thân, gửi giỗ hay chỉ nhớ ngày này tháng này là ngày giỗ của ai chính là bạn cũng đã tri ân tưởng nhớ đến tổ tiên của mình. Nếu có điều kiện bạn có thể tổ chức một buổi lễ nhỏ tại nơi mình ở mời những người thân thiết đến tham dự vừa là tưởng nhớ người đã khuất cũng vừa là buổi gặp gỡ anh em bạn bè tạo nên sự đoàn kết gắn bó.

Người viết tin rằng dù còn sống hay đã mất tổ tiên, ông bà, cha mẹ luôn luôn mong muốn và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cháu. Lúc còn sống thì chăm sóc, nuôi nấng, dạy bảo con cháu, khi đã khuất thì âm phù cho con cháu gặp nhiều may mắn và thành công. Vậy nên con cháu luôn luôn phải biết ơn tổ tiên của mình đó là truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

                                                                                          Luật sư Đức Chinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Copyright © by Hoinhattam.com